
Cầu cho linh hồn các ân nhân đã qua đời trong tháng 3:

-
Lịch sử ra đời của các nhà giữ trẻ trong làng
Từ xưa đến nay không có các Nhà Trẻ cho các cháu bé người đồng bào dân tộc. Các Trường Mầm Non chỉ dành cho con em người Kinh. Các gia đình người Sắc Tộc Thiểu Số không có khả năng để gửi con vào những Trường Mầm Non ấy.
Ngày ngày, các cháu bé theo cha mẹ lên nương rẫy hay ở nhà lăn lộn với thời tiết mưa ẩm gió nhiều. Nhìn thấy các em phải chịu cảnh mưa nắng, lang thang ngoài rẫy, đói ăn thiếu mặc, thân thể gầy gò ốm yếu bệnh tật, lòng ai không cảm thấy ngậm ngùi xót thương. Với tâm trạng như thế, anh em Phan Sinh chúng tôi trăn trở suy nghĩ: Làm sao để các bé sẽ có cơ may phát triển đầy đủ khi phải sống trong cảnh thiếu thốn như thế?

Sau nhiều tháng ngày suy nghĩ và cầu nguyện, chúng tôi đã nghĩ đến mô hình NHÀ GIỮ TRẺ trong các làng dân tộc, để các cháu bé có được một mái nhà chung, có những bữa cơm đủ dinh dưỡng, có môi trường sạch sẽ, có những bàn tay săn sóc nuôi nấng, cho ăn, cho ngủ, cho tắm rửa…Nhờ thế, các bậc cha mẹ người dân tộc nghèo an tâm lên nương rẫy mà không phải bồng bế các bé theo.
2. Cách thức thực hiện
Khó khăn đầu tiên là ai sẽ đứng ra chăm sóc nuôi giữ các cháu bé đây?
Nếu dùng cô giáo người Kinh thì các em bé chẳng hiểu gì và cô giáo người Kinh sẽ chẳng biết gì về ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Dân Tộc để dạy, để nói với bé, vì các bé chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ thôi. Như vậy thì tìm đâu ra người để để chăm sóc các bé ?
May mắn là chúng tôi đã tìm ra lời giải đáp: Các bà mẹ, bà chị trong làng đã tình nguyện sẵn sàng chịu vất vả đứng ra đảm nhận việc nuôi giữ các cháu bé
Chúng tôi đã tuyển lựa các cô gái trẻ trong làng đưa đi Saigon để học hỏi kinh nghiệm giữ trẻ tại các Trường Mầm Non uy tín nhất của các Sơ một thời gian 6 tháng, 1 năm, 2 năm…Sau đó, các cô trở về làng quy tụ các cháu bé (từ 1 năm tuổi, tới 4,5 tuổi) trong làng lại 1 nhà tương đối rộng rãi , nuôi giữ các cháu bé hết sức tận tụy với tấm lòng của một người mẹ.
Cách làm này đã đem lại nhiều hiệu quả đích thực: các bé mau chóng khỏe mạnh, dạn dĩ, ngoan ngoãn. Cha mẹ các bé an tâm lên rừng, ra rẫy mà không phải địu con theo. Cuộc sống dân làng nhờ đó được bình an hạnh phúc hơn.
Cho đến nay (2020) đang có 7 Nhà Giữ Trẻ tại các làng:
-
Nhà Giữ Trẻ làng PlơiBô, xã IaYok, Huyện IaGrai, Gia Lai: 65 cháu, 5 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng PlơiO, xã IaSao, Huyện IaGrai, Gia Lai: 61 cháu, 4 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng PlơiNu, xã IaSao, Huyện IaGrai, Gia Lai: 52 cháu, 3 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng Ealuh, xã Nghĩa Hưng, Huyện ChưPah, Gia Lai: 65 cháu, 4 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng KMông, xã IaTô, huyện IaGrai, Gia Lai: 55 cháu, 3 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng Kutong, xã IaPech. Huyện IaGrai, Gia Lai: 56 cháu, 4 cô
-
Nhà Giữ Trẻ làng Djoh, xã IaBa, huyện IaGrai, Gia Lai: 32 cháu, 2 cô
Tổng cộng: 7 Nhà Giữ Trẻ Dân Tộc, 386 cháu, 25 cô giữ trẻ.
3. Sinh hoạt nhà trẻ
Nhà Giữ Trẻ ưu tiên nhận nuôi các em bé dân tộc từ 1 năm tuổi đến 5, 6 tuổi từ những gia đình khó khăn, đông con, thiếu ăn, không đủ khả năng nuôi con. Có những em mồ côi. Có những em khuyết tật.
7 giờ 30 các phụ huynh đưa các bé đến lớp. Các em được ăn uống một ngày ba lần: sáng các em được uống sữa đậu nành, trưa ăn cơm theo tiêu chuẩn của nhà trẻ, chiều uống sữa hay ăn một thứ gì đó tùy theo sự linh động của các cô. Sau đó, các em được tắm rửa để khoảng 4-5 giờ chiều, cha mẹ đón các em về.
Trong suốt một ngày ở nhà trẻ này, các cô sẽ giúp các bé các việc như: cho ăn, thay đồ mới sạch sẽ, cho ngủ, tắm rửa…biết giữ vệ sinh cá nhân, học chào hỏi…, học múa hát…
4. Kết quả
“NHÀ GIỮ TRẺ” trong các làng dân tộc là một mô hình độc đáo của Cộng đoàn Thừa Sai Phanxicô tại Tây nguyên, đế đáp ứng tình hình thực tế của các làng dân tộc Jrai, Sêđang…do anh em phụ trách: Các gia đình dân tộc quá nghèo, thiếu thốn, và nhiều hạn chế trong việc nuôi con và dạy con. Người dân tộc rất thương con cái, nhưng không biết cách nuôi con và không đủ khả năng để nuôi con khỏe mạnh, khôn lớn. Phần lớn con cái đều không được cha mẹ chăm sóc, dinh dưỡng kém, thiếu vệ sinh…Cha mẹ lên rẫy lên núi, để con cái bơ vơ đói khát, lang thang ngoài trời mưa trời nắng…nên suy dinh dưỡng, nhiều bệnh tật, nhút nhát, xanh xao ốm yếu gầy gò. Thật đáng thương !

Sau một thời gian hoạt động (từ năm 2006 đến 2024), những kết quả nhìn thấy được nơi những làng có sự hiện diện của Nhà Giữ Trẻ thật hiển nhiên :
-Các bé được ăn uống chăm sóc đầy đủ, nên khỏe mạnh, mau lớn.
-Các bé được dạy dỗ giữ gìn vệ sinh, được tắm rửa sạch sẽ, nên dần dần bớt bệnh, thoát suy dinh dưỡng.
-Các bé được sống tập thể, được chơi chung, ca hát múa nhảy…nên dân dần dạn dĩ, lễ phép, biết thưa dạ, biết chào hỏi, biết ngoan ngoãn.
-Các bé được từng bước làm quen với tiếng Kinh, để chuẩn bị bước vào Trường Mẫu Giáo, Tiểu Học, không bị xa lạ, giảm bớt khó khăn về ngôn ngữ.
-Cha mẹ các bé được an tâm lao động, lên rẫy, ra đồng ruộng, mà không phải lo lắng giữ con, hoặc không phải địu con nhỏ theo trên lưng chịu cảnh nắng mưa. Anh chị của các bé không buộc phải nghỉ học để ở nhà giữ em, giữ cháu, cho cha mẹ đi làm như trước đây.
5. Nhu cầu
Việc duy trì hoạt động cho các Nhà Giữ Trẻ là một vấn đề lớn cho chúng tôi: tìm đâu ra nguồn kinh phí đều đặn để nuôi các bé (gần 400 bé), xây dựng sửa chữa các nhà nuôi trẻ (7 nhà), và bù đắp công sức cho các cô nuôi (25 cô).
Hiện nay, vì thiếu thốn kinh phí, nên chúng tôi đành phải chấp nhận mức ăn hằng ngày của các bé rất thấp (trung bình chỉ có 2.000.000 VND tiền nuôi ăn các bé cho mỗi Nhà Giữ Trẻ trong 1 tháng). Về phía gia đình, chỉ kêu gọi đóng góp “tùy khả năng”, thường chỉ là một ít tiền, hoặc một ít gạo, rau củ, bầu bí…Hoặc không có gì cả ! Mỗi tháng mỗi cô cũng chỉ có 2.000.000 VND tiền “bồi dưỡng”.
Mong sao có nhiều ân nhân giúp đỡ để mức chăm sóc các bé được nâng cao hơn, cho các bé được ăn no hơn, các cô nuôi trẻ được bù đắp tương xứng với công lao vất vả của mình hơn.